Chàng chiến binh dũng cảm

Ở Serbia, Novak Djokovic giống như một vị thần, giàu lòng nhân ái và đầy chất nghĩa hiệp. Lớn lên dưới bom đạn chiến tranh, tay vợt số 1 thế giới này còn được biết đến như một nhân vật kỳ lạ trong giới thể thao, sở hữu một sự nghiệp cũng kỳ lạ không kém. 

Dưới kỷ nguyên thống trị của Roger Federer và Rafael Nadal, Nole vẫn tìm cho mình một con đường thành công…

Chàng chiến binh dũng cảm ảnh 1  Novak Djokovic
 Nuôi chí lớn dưới bom đạn

Khi cậu bé Djokovic kỷ niệm sinh nhật lần thứ 12 hồi tháng 5-1999, Nam Tư đang oằn mình dưới cơn mưa bom bão đạn của NATO, đó cũng là sự khởi đầu của một cơn khủng hoảng dân tộc - chính trị - xã hội tồi tệ kéo dài cả thập niên, xé toạc Nam Tư thành nhiều phần khác nhau. Belgarde, thành phố nơi Djokovic sinh ra và lớn lên, chính là một tâm điểm tàn phá của bom đạn. 

Sau 20 năm, tình hình vẫn còn căng thẳng, đầy tranh cãi quanh việc NATO ném bom Nam Tư một cách tàn khốc để ép các lực lượng người Serbia triệt thoái khỏi Kosovo, khi cộng đồng thế giới cáo buộc họ có những hành động tàn bạo nhắm vào những người dân gốc Albania ở đây. Ông Djordjo Milenic, người bạn lâu năm của ông nội Djokovic, cư dân của vùng Banjica (cách trung tâm Belgrade 7 km về phía Nam), là chứng nhân của giai đoạn NATO ném bom năm nào, lạc giọng khi kể lại: Khi nghe tiếng còi báo động và máy bay bắt đầu kêu ầm ĩ, bạn không bao giờ biết được quả bom sẽ rơi trúng nơi nào. Họ ném bom vào bất kỳ thứ gì họ muốn. “Tổn thất không lường trước”, họ đã nói như vậy khi ném bom cầu đường, bệnh viện. Thật sự rất khó khăn, rất là khó khăn (các cây bút của BBC đã dùng đến cụm từ: “Collateral Damage”, để miêu tả về lời biện hộ “tổn thất ngoài dự kiến” của NATO...

Vài dòng hồi tưởng của ông Milenic giúp người nghe phần nào hiểu được cậu bé Djokovic đã phải lớn lên và tập luyện quần vợt trong một điều kiện kinh khủng ra sao. Nhưng đấy lại là động lực giúp trui rèn một chiến binh hôm nay, người không hề e sợ điều gì, bất chấp việc đang phải thi đấu trên một sân đấu mà cả 4 phía khán đài cùng hét vang tên tuổi của Roger Federer. Cha mẹ của Djokovic không ngại ngày đêm làm việc ở khu nghỉ mát trượt tuyết Kopaonik để kiếm tiền nuôi con (Djokovic và 2 em trai Marko, Djordje). Buổi sáng họ dạy trượt tuyết, buổi tối phục vụ pizza cho khách trong nhà hàng, và tài trợ việc tập luyện quần vợt đang tiến bộ rất nhanh của Djokovic, trong khi Djokovic vẫn thường xuyên sống trong tầng hầm tránh bom ở Banjica.

Khát vọng của chiến binh

Djokovic sau này tâm sự: “Trong suốt 2 tháng rưỡi, chúng tôi thường xuyên bị đánh thức vào lúc 2-3 giờ sáng vì tiếng nổ của những vụ đánh bom. Những trải nghiệm này đã biến tôi trở thành nhà vô địch. Nó khiến chúng tôi cứng rắn và khao khát thành công hơn”.

Sau khi được Bogdan Obradovic (sau này làm HLV kiêm đội trưởng tuyển Serbia vô địch Davis Cup năm 2010, hiện là một Nghị sĩ Serbia) dẫn dắt, Djokovic tiến bộ từng ngày. Họ tập luyện ở sân bỏ hoang xung quanh Belgrade để không phải tốn chi phí thuê sân, và tập mỗi ngày trong cảnh bom đạn vẫn rền vang xa xa. Nhờ vậy mà giờ đây, với Djokovic, việc các khán giả la hét để ủng hộ đối thủ của anh, chẳng hề hấn gì. Đó chính là chàng chiến binh đã trưởng thành dưới kỷ nguyên mà Federer và Nadal thống trị thiên hạ. Khi Djokovic vô địch Australian Open 2008 (Grand Slam đầu tiên trong sự nghiệp của anh), Federer và Nadal đã “bắt tay nhau” thắng đến 14/16 Grand Slam trong suốt 4 năm.

Và kể từ danh hiệu năm 2008, Djokovic cũng mất đến 3 năm sau mới đoạt được Grand Slam thứ 2, Australian Open 2011. Nhưng đến năm 2019- thêm 8 năm, Djokovic đã đạt tổng cộng 15 Grand Slam, chỉ còn thua Nadal 2 danh hiệu và thua Federer 5 danh hiệu mà thôi. Nếu là một tay vợt khác, lỡ sinh cùng thời với Federer và Nadal, họ đã sống cuộc đời an yên mãi mãi từ năm 2004 trở đi, như 2 tài năng Andy Roddick hay Lleyton Hewitt. Nếu là một tay vợt khác như Marat Safin, người trong một ngày đẹp trời có thể thắng cả Federer đang ở đỉnh cao phong độ, cũng phải sớm giải nghệ để vui vầy với nắng biển. Nếu là một tay vợt khác, như Sir Andy Murray chẳng hạn, anh đã phải viện dẫn 2 tấm HCV Olympic để bao biện rằng mình không hề thua kém Federer và Nadal.

Nhưng Djokovic là Djokovic, một Djokovic độc nhất vô nhị. Djokovic  đã qua mặt cả Federer lẫn Nadal để trở thành tay vợt đầu tiên sau huyền thoại Rod Laver, sở hữu cả 4 Grand Slam cùng một năm, tạo ra thuật ngữ “Nole Slam” sau khi đoạt ngôi vô địch French Open 2016. Một Djokovic đã đánh mất khát khao sau “cú ăn 4”, liên tục sa sút, rơi vào cảnh hoang mang đi tìm bản ngã của chính mình, tưởng chừng sẽ bị chôn vùi mãi mãi trong tàn tro, nhưng lại như Phượng Hoàng kiêu hãnh, hồi sinh thêm một lần nữa.

Djokovic đã thắng US Open 2018 để khẳng định anh thật sự trở lại và khiến người ta nhớ đến hình ảnh anh cùng tài tử điện ảnh nổi tiếng Gerard Butler hét vang: “Đây là Sparta!”. Trong phim “300”, Butler diễn vai một chiến binh ngoan cường. Còn trên sân đấu, Djokovic là chiến binh can trường, bất khuất. Djokovic giờ đây đang đối diện với cơ hội thắng “Nole Slam” thứ 2, và dù đối mặt với nhánh thăm khó gấp trăm, gấp ngàn lần so với nhánh thăm của Nadal ở Roland Garros 2019, anh vẫn sẽ dũng cảm tiến tới, quyết không đầu hàng số phận.

Một tấm lòng nhân ái

Novak Djokovic hiện quản lý quỹ từ thiện mang tên chính anh, với trách nhiệm giúp đỡ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn lớn lên trong môi trường thú vị và an toàn. Tuổi thơ phải sống, tập luyện dưới bom đạn khiến Djokovic và vợ là Jelena Ristic thêm yêu mến trẻ em.

Chàng chiến binh dũng cảm ảnh 2 Novak Djokovic Foundation đã giúp hàng ngàn trẻ em ở Serbia sống tốt hơn

Vì hoạt động đầy ý nghĩa của Novak Djokovic Foundation, Nole được bổ nhiệm làm Đại sứ Thiện chí của UNICEF năm 2015. Cũng trong năm này, Ngân hàng Thế giới thậm chí đã quyết định hợp tác với quỹ của Djokovic để thúc đẩy phát triển giáo dục mầm non ở Serbia. Đến năm 2016, sau khi đăng quang Australian Open, Djokovic dành 20.000 USD để quyên góp Chương trình Giáo dục mầm non Melbourne City Mission, vốn trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh khó khăn ở Melbourne (nơi diễn ra giải Australian Open). Tính đến nay, Novak Djokovic Foundation đã thực hiện được 37 dự án, giúp sửa chữa, nâng cấp 43 trường học, hỗ trợ gần 1.000 gia đình, đào tạo được hơn 1.500 giáo viên và giúp đỡ hơn 20.000 trẻ em khó khăn.

Tin cùng chuyên mục