Chân dung V-League

Ngày mai, đại hội cổ đông của Công ty VPF sẽ được tiến hành nhưng không khí thì đã nóng hơn tuần lễ nay khi vấn đề nhân sự điều hành đang tạo ra nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận. Thật ra, chuyện ấy cũng bình thường. Chỉ có điều, có lẽ qui trình bị đi ngược nên mới có nhiều rắc rối.
Chân dung V-League

Ngày mai, đại hội cổ đông của Công ty VPF sẽ được tiến hành nhưng không khí thì đã nóng hơn tuần lễ nay khi vấn đề nhân sự điều hành đang tạo ra nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận. Thật ra, chuyện ấy cũng bình thường. Chỉ có điều, có lẽ qui trình bị đi ngược nên mới có nhiều rắc rối.

Mục tiêu của các giải đấu nhằm phục vụ khán giả. Đáp ứng được đòi hỏi của người hâm mộ, xem như giải đấu thành công. Ảnh: Quang Minh

Mục tiêu của các giải đấu nhằm phục vụ khán giả. Đáp ứng được đòi hỏi của người hâm mộ, xem như giải đấu thành công. Ảnh: Quang Minh

Đối với bất kỳ tổ chức nào, và đặc biệt là với một công ty, muốn bắt đầu đi vào hoạt động hay tìm nhân sự thì điều đầu tiên phải làm đó là đặt ra các chỉ tiêu. Đối với VPF, các chỉ tiêu đó tạm xem là cách để người hâm mộ có thể hình dung ra được chân dung của V-League (và phần nào đó là giải hạng Nhất) trong tương lai. Chưa có bức chân dung phát thảo ấy, bàn về nhân sự thì… hơi sớm.

Theo quan điểm của chúng tôi, V-League có thể được hình dung dựa trên những “nét vẽ” sau: đầu tiên là số lượng khán giả đến sân, kế đến là nhu cầu xem truyền hình, rồi đến doanh thu của các CLB. Bức chân dung ấy đẹp hay xấu nên căn cứ vào những thông số đó (tất nhiên là phải được thống kê một cách trung thực). Những con số ấy càng tăng thì V-League sẽ càng phát triển và phải dựa trên những con số ấy để điều chỉnh hoạt động của VPF. Nói tóm lại, rất cần đại hội cổ đông VPF đặt ra các chỉ tiêu cụ thể vì làm bóng đá chuyên nghiệp mà không cải thiện được những yếu tố nói trên thì thà trở lại… thời bao cấp.

Vấn đề là hiện nay, những tranh cãi đang xoay quanh chuyện nhân sự của VPF với cơ cấu được đề cử đa phần đến từ VFF. Như vậy cũng đủ thấy, VPF đang lo lắng cho công tác tổ chức nhiều hơn là vẽ ra chân dung cho V-League những mùa giải sắp đến.

Nói về chuyện tổ chức, thật ra ông Dương Nghiệp Khôi và các BTC giải cũ làm không tệ. Họ không thành công chỉ vì thiếu những chỉ tiêu mà lẽ ra VFF cần phải đặt ra để định hướng hoạt động. Thay vì thế, ông Khôi và các BTC cũ chỉ làm cho tròn vai hơn là tạo nên sự đột phá. Việc mời lại một số nhân vật cũ đã gián tiếp thừa nhận điều đó.

o0o

Như chúng tôi có lần đặt vấn đề: Trong cuộc vận động rất lớn lao ở thời gian vừa qua, hình như chẳng ai nói đến vai trò của người hâm mộ. Làm gì thì làm, bóng đá muốn phát triển thì phải thỏa mãn người mua vé vào sân. Người hâm mộ muốn được có cái gì đấy mới là điều quan trọng nhất. Đáp ứng được đòi hỏi của người hâm mộ thì sẽ vẽ được chân dung V-League, nếu không, các giải đấu cũng chỉ là cuộc chơi mang tính lợi ích của một nhóm người, một nhóm CLB mà thôi.

Mô hình các giải đấu chuyên nghiệp trên thế giới, về căn bản đều ra đời là để nâng cao sự phục vụ người hâm mộ. Những lý do từ trọng tài, đến bạo lực hay chuyển nhượng bát nháo đều xuất phát từ sự chán chường của CĐV Việt Nam với bóng đá nội địa. Làm sao để các CLB phục vụ và lệ thuộc người hâm mộ nhiều hơn thì sẽ bớt dần các tiêu cực nói trên. Chứ để cái cảnh mở cửa miễn phí cho dân vào xem rồi muốn làm gì thì làm thì chỉ có kéo lùi sự phát triển bóng đá chuyên nghiệp mà thôi.

Quan điểm VPF phải có lãi thoạt nghe thì có vẻ như không hợp lý vì công ty này còn mang trách nhiệm chính trị - xã hội khác. Thế nhưng, nếu không đặt tiêu chí đó lên hàng đầu thì làm sao biết cách để phục vụ khán giả. Nếu các CLB cứ vẫn sống bằng túi tiền của các ông bầu thì rốt cuộc, người ta đá bóng để làm gì?

Hồ Việt

Tin cùng chuyên mục