Cầu lông Việt Nam đổ xô tìm nhà tài trợ

Nhiều VĐV sáng giá của cầu lông Việt Nam (về cá nhân) đang tìm những nhà sản xuất đồ thể thao tài trợ riêng. Thậm chí, Nguyễn Tiến Minh (TPHCM) hay Vũ Thị Trang (Bắc Giang) cũng nằm trong số đó.

 

Phải có “cầu nối”

Trao đổi với SGGP Thể Thao, đại diện thương hiệu Sunrise-Yonex ở Việt Nam – ông Lê Đức Nghĩa xác nhận 2 vợ chồng VĐV Nguyễn Tiến Minh và Vũ Thị Trang đã kết nối với phía mình, qua đó muốn hãng Yonex tài trợ cá nhân.

“Việc tài trợ là có nhưng hiện chúng tôi chưa công bố được thông tin cụ thể do còn làm việc giữa các bên liên quan. Qua làm việc với Tiến Minh và Vũ Thị Trang, 2 VĐV này đều muốn sự song hành cùng thương hiệu”, ông Nghĩa cho biết.

Người trong nghề biết đơn vị này là nhà cung cấp sản phẩm tại thị trường Việt Nam. Họ không thể gật đầu mà phải bàn bạc, báo cáo về công ty mẹ ở Nhật Bản, rồi mới chính xác tài trợ Tiến Minh, Vũ Thị Trang như thế nào. Kể như, đây là “cầu nối” cho hai vợ chồng Nguyễn Tiến Minh. Trưởng bộ môn cầu lông (Tổng cục TDTT) – ông Lê Thanh Hà đã cho biết, VĐV Nguyễn Thùy Linh (Đà Nẵng) nhờ tìm giúp nhà tài trợ cá nhân và bộ môn cùng Liên đoàn cầu lông Việt Nam đã tìm được.

''Thời gian tới, hợp đồng ký tài trợ cho Linh sẽ được thực hiện. VĐV này ngoài tiền mặt, trang thiết bị thi đấu, được cam kết sẽ dự 5 giải quốc tế/năm”, ông Hà nói thêm. Thùy Linh từng được 1 nhãn hiệu của Indonesia tài trợ cá nhân nhưng tính hiệu quả không cao và hợp đồng đã hết hạn.

Vợ chồng tay vợt Nguyễn Tiến Minh-Vũ Thị Trang luôn thu hút các nhà tài trợ. Ảnh: Thiên Hoàng
Năm ngoái, 4 VĐV trẻ là Lê Đức Phát (Quân đội), Đặng Quang Huy, Nguyễn Đức Giang (Thái Nguyên), Trần Thị Phương Thúy (Bắc Giang) được một công ty Hàn Quốc tài trợ 5000 USD/năm. Chương trình là kết nối từ Liên đoàn cầu lông Việt Nam với đối tác. Không có Liên đoàn, từng địa phương chưa tìm được tài trợ cho VĐV của mình. Đầu tháng 4 vừa qua, Lê Thu Huyền, Phạm Hồng Nam (Hà Nội) đã được một nhãn hàng thể thao Trung Quốc ký tài trợ cá nhân. Hợp đồng không lộ giá trị nhưng thời gian kéo dài 3 năm. 

Dễ mà khó

Ông Tống Đức Thuận (đại diện hãng Mizuno tại Việt Nam) xác nhận trong ngày 4-5, “sau khi kết thúc tài trợ cá nhân cho VĐV Nguyễn Tiến Minh, chúng tôi vẫn còn hoạt động tài trợ về cầu lông. Hiện tại, các VĐV có quyền lựa chọn thương hiệu do mình thích. Phải dựa trên năng lực, triển vọng của tay vợt mới ký kết cá nhân”. Năm 2016, Tiến Minh nhận tài trợ trị giá 1 tỷ đồng từ Mizuno. Sau 1 năm, hợp đồng đã không triển hạn.

Chỉ dựa vào kết quả quốc nội, sức ảnh hưởng của 1 tay vợt chưa đủ để nhà tài trợ tìm tới. Phải đạt thành tích quốc tế cao, thứ hạng tốt ở quốc tế, VĐV mới được chú ý hơn. Những người trẻ như Đức Phát, Phương Thúy, Quang Huy, Đức Giang, Thùy Linh là triển vọng nhưng thành tích chuyên môn của họ chưa nổi bật, cần nỗ lực hơn. Phó chủ tịch kiêm TTK Liên đoàn cầu lông Việt Nam – ông Lê Thanh Sang đã lấy ví dụ tay vợt Phạm Cao Cường để minh chứng quan điểm dù triển vọng nhưng phải mất nhiều thời gian mới thành công. “Hiện cháu này đang tập huấn ở Indonesia và được gia đình đầu tư rất nhiều nhưng năng lực muốn mạnh hơn vẫn cần quyết tâm bản thân và sự chịu khó. Chấp nhận vất vả mới có ngày thăng hoa”, ông Sang phân tích.

Giải cá nhân VĐQG năm nay, trừ 2 đơn vị vũ trang là CAND và Quân đội, chỉ có 14 địa phương đăng ký VĐV thi đấu. Năm 2016, giải ghi nhận 19 đơn vị (gồm CAND và Quân đội). Nhiều địa phương như Điện Biên, Trà Vinh, Hải Dương, Hưng Yên đã hết quân do VĐV tuyến 1 lớn tuổi nghỉ thi đấu. Giải đồng đội VĐQG 2017, trừ CAND và Quân đội, chỉ có 9 địa phương đủ quân tham dự. Bộ môn cầu lông khẳng định, các giải cầu lông trẻ khả quan hơn và duy trì 32 đơn vị thường xuyên có VĐV tham dự. Đó là một bài toán khó để các nhà tài trợ tìm tới gắn kết cùng cá nhân VĐV.

Tin cùng chuyên mục