Câu hỏi cuối cùng

Câu hỏi cuối cùng

Hôm nay sẽ diễn ra đại hội cổ đông Công ty VPF, một thời khắc quan trọng của bóng đá Việt Nam. Thế nhưng, nếu gọi đây là “thời điểm lịch sử” hay VPF là một “cuộc cách mạng” thì sẽ không hợp lý bởi nói cho cùng, mọi thứ đối với VPF cũng chỉ mới là sự khởi đầu.

Trong thời điểm chuyển giao giữa các BTC giải cũ và một VPF mới, tự dưng trong đầu bật ra câu hỏi, có lẽ là câu hỏi cuối cùng: Tại sao các BTC thất bại và VPF có thể thành công?

Hy vọng sau đại hội cổ đông, Công ty VPF sẽ có những định hướng thiết thực cho sự phát triển của bóng đá nước nhà.

Hy vọng sau đại hội cổ đông, Công ty VPF sẽ có những định hướng thiết thực cho sự phát triển của bóng đá nước nhà.

Tất nhiên, khá muộn khi hỏi vào thời điểm này nhưng thiết nghĩ, đấy mới là câu hỏi rất cần được trả lời trước khi VPF bắt tay vào việc. Bởi nó liên quan rất nhiều đến sự trì trệ một thời gian dài vừa qua của bóng đá Việt Nam.

Hỏi như vậy không liên quan gì đến VPF mà là để xem thử, điều gì khiến cho các BTC giải cũ không hoạt động như ý muốn. Theo cách lý giải của Phó Chủ tịch VFF Phạm Ngọc Viễn thì các BTC giải cũ không có được sự giám sát tốt và không lắng nghe tiếng nói của các CLB. Nói cách khác, những BTC trước đây chỉ tìm cách làm sao cho giải về đích an toàn và bản thân những người trực tiếp điều hành cũng chỉ làm theo kiểu cầu toàn. Những việc này thể hiện rõ trong các báo cáo của giám sát hay cách xử lý theo kiểu “đóng cửa… mổ băng” của giới trọng tài. Bên cạnh đó, BTC cũ thường phải “nhìn trước, nhìn sau” mỗi khi ra quyết định kỷ luật gì đấy. Sự thụ động và quan liêu rất dễ nhận thấy ở các BTC trước đây.

Như vậy, VPF sẽ không được phép đi vào những vết xe đổ đó?

Vẫn chưa bàn đến chuyện của VPF, tiếp tục đặt ngược vấn đề: Phải chăng các BTC giải cũ không hiệu quả do VFF yếu về quản lý? Không khó để nhận thấy, những người trong BTC cũ không hề yếu. Ngay như ông Dương Nghiệp Khôi, xét về chuyên môn, mấy ai qua được ông về cách điều hành? Hay ông Nguyễn Văn Mùi dày dạn kinh nghiệm là thế. Điều khiến họ thất bại là không thể bước qua cái bóng của VFF. Và VFF thì lại không thoát khỏi cái bóng nặng nề của chính mình.

o0o

Bây giờ nói chuyện VPF. Công ty này chắc chắn không thể nào ngày một ngày hai cải tổ được bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam. Nó mới mẻ và có vẻ như có được sự dân chủ rất cao. Tuy nhiên, thành - bại của một nền bóng đá không nằm ở VPF mà vẫn ở VFF. Để đến khi bị các ông bầu gây sức ép thì VPF mới ra đời là cái dở của VFF. VPF ra đời rồi mà VFF vẫn cứ “bình chân như vại”, chưa chịu thay đổi gì là cái dở kế tiếp. Không tự vận động mà cứ chờ xem thử VPF thành hay bại là cái dở khác mà tổ chức quản lý bóng đá Việt Nam đang mắc phải. Câu chuyện về VPF “nóng” quá, thời sự quá khiến người ta quên mất rằng, dù thế nào đi nữa, sự cần thiết nhất cho bóng đá Việt Nam là VFF phải xem lại hoạt động của mình sau những gì đã xảy ra từ cấp độ CLB đến đội tuyển.

Đấy là lý do mà chúng ta cũng đừng nên kỳ vọng quá nhiều vào VPF. Ngày trước, các BTC giải cũ đã không thể vận hành nền bóng đá chuyên nghiệp đúng cách chưa hẳn vì họ dở mà vì họ chịu sự quản lý của VFF. Nay, VPF mang tiếng là độc lập, là dân chủ nhưng kỳ thực, nếu làng bóng không quyết liệt hơn, các CLB không mạnh mẽ hơn và các ông bầu không “nồng nhiệt” hơn thì chưa chắc gì VPF đã tạo được sức bật khi mà cái bóng của VFF vẫn “lồng lộng” trên đầu.

Hồ Việt

Tin cùng chuyên mục