Cạn nguồn nhân lực

Kể từ khi thực hiện tuyển sinh khóa 1 - năm 2007 đến nay, học viện HA.GL cũng chỉ có lứa đầu tiên là xuất sắc, tương đối đáp ứng đúng kỳ vọng của bầu Đức khi đầu tư đào tạo trẻ. 

Tuy nhiên, hơn chục năm mà chỉ sản sinh ra được 5 - 7 cầu thủ tốt thì rõ ràng là thiếu hiệu quả. Các khóa 2, 3, 4 của học viện này hầu như chưa có ai nổi bật, khiến cho đến nay lứa Công Phượng, Xuân Trường… vẫn là đỉnh cao.

Nguyên nhân lớn nhất đó là chất lượng và số lượng đầu vào không cao bất kể việc HA.GL đã nới lỏng một số tiêu chí tuyển sinh hòng lấy số đông để sau đó cố gắng “đãi cát tìm vàng”. Thế nhưng, ngay cả phương pháp này cũng không thành công do sự bùng phát các lò đào tạo tư nhân trong thời gian sau này.

Đa số các lò đào tạo đều “săn” tài năng ở địa phương phía Bắc do yếu tố kỹ thuật mang tính chất bẩm sinh, đồng thời giấc mơ làm cầu thủ của các cậu bé tại khu vực này vẫn dồi dào hơn các bạn cùng trang lứa phía Nam.

Tuy nhiên, chỉ tính riêng trong 300km xung quanh Hà Nội đã có đến 7 đội bóng đang đá ở V-League, tương ứng với 7 đơn vị đào tạo địa phương. Đây là lý do mà lứa cầu thủ khóa 1 của HA.GL lại đến từ những nơi như Tuyên Quang (Xuân Trường), Thái Bình (Tuấn Anh), Minh Vương, Văn Toàn (Hải Dương) hoặc như Công Phượng là bị SLNA “không tuyển”…

Rất nhiều tài năng của bóng đá Việt Nam hiện nay có quê ở Hải Dương, Thái Bình, Hà Tĩnh… những nơi không có truyền thống bóng đá. Một lò đào tạo cùng thời với HA.GL là PVF lúc đầu có trụ sở tại TPHCM, nhưng nay đã chuyển ra Hưng Yên để phù hợp hơn với công tác tuyển sinh, đào tạo do nguồn cầu thủ trong Nam hiện không còn dồi dào như xưa. Như vậy, chỉ trong một phạm vi không quá lớn, có đến hàng chục đơn vị săn tìm tài năng thì đương nhiên không thể có nguồn nhân lực nào đáp ứng kịp.

Các tuyển trạch viên phía Bắc hiện phải lặn lội lên tận các tỉnh miền núi để tìm người. Trong khi đó, những địa phương có truyền thống bóng đá trẻ từ miền Trung đổ vào Nam như Đà Nẵng, Bình Định, Khánh Hòa, Tiền Giang, Đồng Tháp… hiện còn không đủ các tuyến trẻ để cung cấp cho CLB quê nhà, khiến những “lò” đào tạo mới của Nutifood hay Juventus Academy (Vũng Tàu) đối diện với những khó khăn trong việc tuyển sinh ở tương lai bao gồm cả số lượng cũng như gia tăng chi phí tài chính cho hệ thống tuyển trạch viên.

Riêng tại TPHCM, việc hợp tác với CLB Lyon đang có tiến triển tốt, đồng thời quá trình chăm lo cho bóng đá học đường cũng nhận được nhiều phản hồi tích cực. Đây là một hướng đi tương đối phù hợp trong bối cảnh mà nguồn “ngọc thô” đến từ các địa phương xa không dễ tìm như trước, thì các CLB hay “lò” đào tạo phải nghĩ đến nguồn lực tại chỗ.

Tin cùng chuyên mục