Bóng chuyền Việt Nam - Bao giờ mới hết hỗn loạn?

Kỳ 2: Bóng chuyền Việt Nam phát triển… hỗn loạn!

Tư duy nghĩa là tồn tại. Bóng chuyền Việt Nam vui vì có nhiều tài trợ, có lắm kinh phí đổ vào tổ chức giải, nâng tầm giải thưởng cho VĐV. Thế nhưng, những bất cập, thiếu thực tế đang tạo thành khó khăn chất chồng khiến bóng chuyền Việt Nam gần như không thể phát triển thêm được gì về chuyên môn…
Kỳ 2: Bóng chuyền Việt Nam phát triển… hỗn loạn!

Tư duy nghĩa là tồn tại. Bóng chuyền Việt Nam vui vì có nhiều tài trợ, có lắm kinh phí đổ vào tổ chức giải, nâng tầm giải thưởng cho VĐV. Thế nhưng, những bất cập, thiếu thực tế đang tạo thành khó khăn chất chồng khiến bóng chuyền Việt Nam gần như không thể phát triển thêm được gì về chuyên môn…

1. Quy chế chuyển nhượng VĐV bóng chuyền do Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam (VFV) ban hành, ở điều 2 (chương I) quy định rõ: Trong cùng 1 năm, 1 VĐV có thể được chuyển nhượng đến nhiều CLB để thi đấu nhiều giải, nhiều hạng (hạng A, trẻ, vô địch quốc gia) hoặc nhiều giai đoạn của giải (vòng bảng, bán kết, chung kết của giải hạng A, trẻ hoặc các vòng của giải vô địch quốc gia), song chỉ được thi đấu cho 1  CLB trong 1 giai đoạn của giải.

Nhìn vào quy định ấy, sẽ thấy ngay sự luẩn quẩn đã khiến công tác đào tạo VĐV trở nên trì trệ. Khi công tác đào tạo trẻ không được chú ý nhiều, cũng có nghĩa bóng chuyền đã đi sai định hướng. Không ai trong các nhà quản lý (ở đây là VFV) không muốn nền bóng chuyền phát triển hơn. Nhưng đến nay, vẫn chưa ai nhận thấy bóng chuyền đang phát triển dựa trên cơ sở khoa học kết hợp với thực tiễn cả.

Tại cuộc họp trước mùa giải 2011, TTK Trần Đức Phấn từng lý giải: “Số lượng trận đấu trong năm của VĐV bóng chuyền Việt Nam quá ít, nên đã hạn chế phần nào quá trình đi lên bán chuyên nghiệp và chuyên nghiệp. Do đó, VFV muốn có sự thay đổi trong Quy chế chuyển nhượng VĐV để tạo điều kiện cho VĐV có thể thi đấu 1 năm từ 25 đến 30 trận, giúp họ phát triển tốt về mọi mặt”.

Tính toán trên không sai. Nhưng cách thực hiện của VFV lại dẫn tới việc không đội bóng nào ủng hộ xu hướng ấy, xét về chiến lược lâu dài. Vô hình chung, luật tréo ngoe khiến các đội bóng ở giải VĐQG hay hạng A đành phải tận dụng cơ hội để đạt được mục đích chuyên môn. Chẳng hạn, 1 VĐV như Lê Hồng Huy dù đã lớn tuổi nhưng vẫn quần thảo khá nhiều suốt những tháng qua, lúc chơi cho CA TPHCM, khi thi đấu ở Maseco TPHCM rồi Sanest Khánh Hòa.

Thử hỏi, 1 VĐV ở hạng trên xuống hạng dưới có thăng tiến về chuyên môn hay không? Thử hỏi, 1 VĐV trẻ vì phải nhường chỗ cho đàn anh ở đội bóng lớn được thuê về phải dự bị, làm sao phát triển được chuyên môn. Cơ chế này sẽ dẫn tới hệ lụy khác, và thực tế là 1 CLB nào đó thuê VĐV hạng trên xuống đánh hạng dưới, sau khi thăng hạng thì liệu có đủ cầu thủ thi đấu ở mùa liền kề. Phải chăng, đã “đâm lao” thì phải chấp nhận “theo lao” bằng việc chấp nhận cảnh thuê-mượn quanh năm?

Giới chuyên môn bóng chuyền đều biết, những cú “áp phe” tuyển VĐV ngoại tại nhiều đội bóng khá lộn xộn. Đành rằng, nhà tài trợ, ông chủ chịu chơi có quyền chi mức lương 8.000-10.000 USD cho Wanchai, Jirayu (Thái Lan)… chơi bóng chỉ trong ít ngày. Cuộc đua đẩy giá, giành giật cầu thủ ngoại giữa các CLB, xu hướng chỉ lao vào thuê ngoại binh hay về rồi đẩy cầu thủ nội ra ngoài khiến người ta có cảm giác đây như một cái… hội làng. Vì sao VFV không kiểm soát hay lên tiếng nhỉ?
Nói thật thì mất lòng. Tới lúc này, VFV gần như không thể hiện được mình là cán cân quản lý ở những vụ tranh chấp VĐV. Hoặc nếu có vào cuộc, cũng chỉ rất hời hợt và không để lại nhiều dấu ấn. Năng lực như thế thì…

Bóng chuyền Việt Nam ngày càng nghèo nàn về chất lượng vì những bất ổn đang tồn tại.
Bóng chuyền Việt Nam ngày càng nghèo nàn về chất lượng vì những bất ổn đang tồn tại.

2. Đánh giá về sự phát triển của một Liên đoàn thể thao, chắc chắn người ta sẽ dựa vào thành tích thi đấu quốc tế và cả công tác tổ chức giải quốc nội. Bóng chuyền nam Việt Nam ở cấp đội tuyển thảm bại hoàn toàn trong 3 năm liên tiếp từ 2009 tới nay. Hãy nhìn đối thủ để biết mình đã đi đúng hướng hay chưa. Bóng chuyền Thái Lan là minh chứng. Họ không ngại gạt bỏ toàn bộ nhân lực để thua Việt Nam ở bán kết SEA Games 2007, đổi máu bằng tuyến trẻ. Tập trung cho đội tuyển là theo thời gian dài, tiến hành cọ xát quốc tế không dưới 4 giải/năm. Kết quả, năm 2009 Thái Lan giành HCB, năm 2011 thắng chủ nhà Indonesia giành HCV. Còn chúng ta, sống với quá khứ nhiều hơn là tin vào thực lực hiện tại.

Bóng chuyền Việt Nam đang phát triển hỗn loạn. Đấy là điều mà người trong giới bóng chuyền đều nhìn thấy. Nhưng chẳng hiểu sao, VFV lại phớt lờ tất cả. Điều tiếng về tổ chức giải đấu, quy chế chuyển nhượng, những rắc rối trong công tác trọng tài và quan trọng là về cách điều hành, quản lý của VFV 2 năm trở lại đây rõ ràng đang kìm hãm sự vươn mình của bóng chuyền.

VFV hình như chỉ có một vài người làm việc, còn lại, tất cả đều bị “đóng băng”. Hoặc vì người điều hành không cần đến, hoặc vì sự tự ái dâng cao khiến những người tâm huyết rủ nhau quay lưng với bóng chuyền. Bóng chuyền Việt Nam đang trôi đi vô định như một con thuyền không có lái trưởng…

NGUYỄN ĐÌNH

>> Kỳ 1: Nhìn từ SEA Games 26 - Biết trước nỗi đau!

Tin cùng chuyên mục