Bóng đá Việt Nam: Kỳ vọng từ chuyến thăm của Chủ tịch FIFA

Ngoài ý nghĩa về sự ghi nhận của FIFA đối với tiến trình phát triển bóng đá Việt Nam, chuyến viếng thăm của Chủ tịch FIFA Gianni Infantino còn đặt ra nhiều kỳ vọng cho bóng đá Việt Nam.

Lứa cầu thủ U.23 sẽ là những nhân tố chính cho mục tiêu World Cup năm 2026. Ảnh: ANH TRẦN
Lứa cầu thủ U.23 sẽ là những nhân tố chính cho mục tiêu World Cup năm 2026. Ảnh: ANH TRẦN

Từ các tiêu chuẩn FIFA

Một trong những cam kết quan trọng mà Chủ tịch FIFA Gianni Infantino đưa ra trong cuộc gặp với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, đó là tổ chức đứng đầu bóng đá thế giới sẽ có những chính sách phát triển cụ thể để nâng tầm bóng đá Việt Nam, cụ thể là khả năng tham gia chương trình FIFA Forward vốn dành cho những nền bóng đá đang phát triển.

Đây là một bước tiến đáng kể bởi từ trước đến nay, FIFA vẫn hỗ trợ cho các liên đoàn thành viên, nhưng chất lượng thì không giống nhau. Ví dụ như các khóa học HLV, đào tạo trẻ... chủ yếu do các chuyên gia từ LĐBĐ châu Á (AFC) cử sang, nhưng sắp đến có thể chất lượng giảng viên sẽ được nâng cao hơn với chuyên gia đến từ châu Âu, vốn có trình độ cao.

Thực tế hiện nay, tại Việt Nam chỉ có HLV Hoàng Anh Tuấn là có được bằng FIFA Pro (bằng HLV cao cấp nhất) sau khi học tại châu Âu, thế nên nếu như được tiếp xúc với các khóa học cao cấp do FIFA hỗ trợ trực tiếp thì chất lượng HLV tại Việt Nam cũng sẽ khác hẳn tiêu chuẩn bằng A của AFC hiện nay. Tương tự, việc tiếp xúc với kiến thức trong dinh dưỡng, tiếp thị, công tác tổ chức… do chuyên gia FIFA truyền đạt chắc chắn sẽ nâng cấp nguồn nhân lực bóng đá Việt Nam hiện nay.

Chúng ta còn nhớ thời điểm hơn 20 năm trước, bóng đá Việt Nam thực sự thay đổi nhờ cố HLV Karl Heinze Weigang - một chuyên gia do FIFA tiến cử, đi kèm theo là các hỗ trợ về việc tập huấn tại châu Âu. Đấy chính là một trong những ưu thế không nhỏ nếu bóng đá Việt Nam được FIFA lưu ý giúp đỡ. Chúng ta có thể được tập huấn ở các quốc gia tiên tiến, được ưu đãi về kinh phí, được thi đấu với nhiều đội chất lượng. Thậm chí, các trận giao hữu hạng A cũng sẽ có được những “quân xanh” chất lượng hơn mà không phải tốn quá nhiều công sức quan hệ.

Tóm lại, trong quá trình phát triển của một nền bóng đá nhỏ như Việt Nam, được FIFA giúp đỡ tài chính không quan trọng bằng việc họ hỗ trợ các mối quan hệ - điều mà FIFA chỉ dành riêng cho số ít trong tổng số hơn 200 thành viên thuộc quản lý của họ.

Đến giấc mơ World Cup

Chủ tịch Gianni Infantino chính là người khởi xướng việc nâng số đội dự World Cup từ 32 lên 48 vào năm 2026. Điều này đồng nghĩa châu Á sẽ tăng 4 - 5 suất hiện nay lên khoảng 7 suất.

Nếu lấy cột mốc “tầm nhìn 2030” mà Chính phủ đã phê duyệt thì việc bóng đá Việt Nam nằm trong tốp 10 châu Á có thể cạnh tranh vé dự World Cup là không hề viển vông. Từ năm 2014 đến nay, các đội U.16, U.19, U.23 đều đặn có mặt tại các VCK châu Á và thành tích tiến bộ qua thời gian, mà đỉnh cao chính là việc giành quyền dự U.20 World Cup cũng như kỳ tích Á quân U.23 châu Á mới đây. Những cầu thủ đó đều có ít nhất 8 năm nữa để chơi bóng đỉnh cao, nên chuyện tranh vé dự World Cup 2026 có thể đưa vào thành kế hoạch cụ thể chứ không còn là giấc mơ.

Tất nhiên, để có thể hy vọng, việc quan trọng nhất vẫn là duy trì được thế hệ U.23 hiện nay, bổ sung nhiều lứa cầu thủ U.19 có trình độ châu Á. Nhưng để làm được như vậy thì cơ sở vật chất của V-League phải tốt hơn, có nhiều HLV được cấp bằng FIFA Pro, hoạt động tài chính của bóng đá chuyên nghiệp phải ổn định để bảo đảm đầu ra cho các “lò” đào tạo... Những yếu tố đó có thể tận dụng từ sự hỗ trợ mà Chủ tịch FIFA Gianni Infantino đã cam kết.

Tin cùng chuyên mục