Bí ẩn bóng đá Croatia

Trận bán kết World Cup 2018 trên đất Nga đã chứng kiến một cuộc lội ngược dòng ngoạn mục để viết nên một trang sử mới của Croatia. Sau chiến thắng, giới truyền thông không chỉ quan tâm đến những ngôi sao hàng đầu như Modric, Rakitic hay Mandzukic mà cũng vô cùng tò mò về nền bóng đá ở quốc gia nhỏ bé chưa đầy 5 triệu dân này.

Luka Modric là cầu thủ trưởng thành từ CLB Dinamo Zagreb. Ảnh: FIFA
Luka Modric là cầu thủ trưởng thành từ CLB Dinamo Zagreb. Ảnh: FIFA

Kinh doanh tài năng bóng đá

Trung tâm Nghiên cứu Thể thao quốc tế Thụy Sĩ đã phát hiện ra rằng Croatia chính là “nhà cung cấp cầu thủ” quan trọng thứ tư cho các đội hàng đầu châu Âu. Nói về vấn đề này, CLB Dinamo Zagreb của Croatia là một minh họa sinh động cho cách kinh doanh bóng đá của quốc gia này. Hằng năm, các nhà tuyển trạch luôn tìm tới Dinamo để chọn ra những tài năng mới cho những “ông lớn” ở châu Âu.

Về lý thuyết, việc quy tụ nhiều tài năng hẳn sẽ giúp Dinamo trở thành ứng cử viên trong những giải đấu lớn ở châu Âu. Nhưng không, trên thực tế, CLB này lại hiếm khi nào bước vào được sân tranh tài của những CLB hàng đầu châu lục. Lý do đơn giản bởi vì nhiều tài năng của họ nhanh chóng bị các CLB châu Âu giàu có cướp mất, dần dần Dinamo giống như một “nhà cung cấp” những tài năng cho bóng đá thế giới, có thể kể đến như Zvonimir Boban hay hiện tại là Luka Modric, Dejan Lovren, Alen Halilović…

Trong quá khứ, “thế hệ vàng" của bóng đá Croatia với các huyền thoại Zvonimir Boban, Davor Suker và Alen Boksic từng giành được vị trí thứ ba tại World Cup 1998 tại Pháp. Nhưng họ cũng không chơi bóng ở quê hương trong một thời gian dài. Trong những năm gần đây, Dinamo đã hoàn thiện việc “kinh doanh tài năng bóng đá” bằng cách tìm kiếm những cậu bé tiềm năng từ nông thôn, đào tạo họ, tạo ra giá trị thị trường và sau đó bán cho các câu lạc bộ lớn hơn, như các đội bóng thi đấu ở Bundesliga. Thông thường, sau đó, các cầu thủ này lại được mua lại một lần nữa bởi các câu lạc bộ của Anh, Tây Ban Nha hay Italia, tạo ra lợi nhuận cao hơn chỉ trong vòng vài năm.

Tổng thống Croatia dùng áo đấu làm quà tặng cho các nguyên thủ quốc gia. Ảnh: Daily Mail 
Bóng đá quảng bá quốc gia

Ở Croatia, chính trị và bóng đá luôn đi đôi với nhau. Trong quá khứ, Franjo Tudjman, tổng thống đầu tiên của nhà nước độc lập Croatia, đã nhận thức rằng bóng đá chính là thứ có thể quảng bá hình ảnh quốc gia mới thành lập của họ trên trường quốc tế. Người được xem như “quốc phụ” của quốc gia này dành một sự quan tâm đặc biệt cho bóng đá. Ở World Cup 1998, ông từng mời các cầu thủ đến dùng cơm và có mặt trên khán đài trong chiến thắng của Croatia trước Đức. Thậm chí, trước đó, ông còn can thiệp khi liên đoàn muốn sa thải HLV Blazevic – một điều chưa từng có ở một tổng thống.

Đúng 20 năm sau đó, nữ tổng thống của Croatia hiện tại Kolinda Grabar-Kitarovic cũng tái hiện một hình ảnh tương tự. Bà đã mặc áo đấu đến sân cổ vũ đội tuyển quốc gia cùng với thủ tưởng Nga Dmitri Medvedev và chủ tịch FIFA Gianni Infantino. Sau chiến thắng của Croatia  trước Đan Mạch, bà còn xuống tận phòng thay đồ để ôm, chúc mừng và cảm ơn từng cầu thủ. Nữ tổng thống từng dùng áo thi đấu của đội tuyển quốc gia để tặng thủ tướng Anh, tổng thống Mỹ và giáo hoàng Francis như một cách thức khéo léo sử dụng sức ảnh hưởng của bóng đá Croatia trong ngoại giao.

Zdravko Mamic bị coi như kẻ thù của bóng đá ở Croatia. Ảnh: Deutsche Welle 
Bê bối tài phiệt thao túng bóng đá

Ở Croatia, Zdravko Mamic là nhân vật nổi tiếng nhất làng bóng đá, nhưng theo nghĩa tiêu cực. Ông này từng là giám đốc điều hành của CLB Dinamo Zagreb và bị người dân Croatia coi như kẻ thù của bóng đá. Năm 2017, ông phải hầu tòa vì liên quan đến việc ép các HLV ĐT Croatia phải triệu tập những cầu thủ đang thi đấu tại CLB Dinamo, giúp họ tăng giá và bán kiếm lời. Các cầu thủ phải ký những hợp đồng “nô lệ”, sau khi đến những câu lạc bộ khác còn phải chia lợi nhuận với Mamic. Sự việc này gây phẫn nộ đến mức cổ động viên Croatia ném pháo sáng vào sân để phản đối chính đội nhà của mình tại Euro 2016.

Thủ lĩnh hiện tại của Croatia là Luka Modric cũng vướng vào bê bối này khi cầu thủ được coi như nhân chứng quan trọng khi đó đã sửa lại khai có lợi cho Mamic. Chính điều này đã khiến anh từ tượng đài trở thành tội đồ của bóng đá Croatia. Đến mức, nhà báo Nick Miller của EPSN từng viết rằng “Nếu Modric có thể giúp Croatia giành lấy cúp Vàng, anh sẽ chiếm được tình yêu của cả thế giới nhưng không phải tại quê hương của mình”.

Tin cùng chuyên mục