Bầu chọn Quả bóng vàng Việt Nam 2012: Tôn vinh những cống hiến trong suốt mùa bóng

Trong những ngày qua, báo Sài Gòn Giải Phóng đã nhận được nhiều cuộc điện thoại từ bạn đọc cũng như đồng nghiệp về nguồn tin giải thưởng Quả bóng vàng năm 2012 (QBV 2012) không có danh hiệu cao nhất dành cho nam. Nhiều ý kiến cho rằng xuất phát từ thành tích kém của ĐTQG tại AFF 2012 mà sau đó Ban tổ chức đã nhận được những lời đề nghị từ người hâm mộ là không nên trao giải QBV giành cho nam.
Bầu chọn Quả bóng vàng Việt Nam 2012: Tôn vinh những cống hiến trong suốt mùa bóng

Trong những ngày qua, báo Sài Gòn Giải Phóng đã nhận được nhiều cuộc điện thoại từ bạn đọc cũng như đồng nghiệp về nguồn tin giải thưởng Quả bóng vàng năm 2012 (QBV 2012) không có danh hiệu cao nhất dành cho nam. Nhiều ý kiến cho rằng xuất phát từ thành tích kém của ĐTQG tại AFF 2012 mà sau đó Ban tổ chức đã nhận được những lời đề nghị từ người hâm mộ là không nên trao giải QBV giành cho nam.

Có lẽ niềm tin yêu của khán giả đã dành cho đội tuyển quá lớn, mà bao giờ cũng vậy, kỳ vọng càng cao thì khi không được gì, sự thất vọng sẽ càng gia tăng. Thế nên, khi có thông tin được loan tải về việc giải thưởng QBV 2012 sẽ không có danh hiệu số 1 dành cho cầu thủ nam, một lần nữa dư luận lại được khuấy động.

Bầu chọn Quả bóng vàng Việt Nam 2012: Tôn vinh những cống hiến trong suốt mùa bóng ảnh 1

Ông Lê Hùng Dũng - Chủ tịch HĐQT Eximbank, Phó chủ tịch VFF trao tặng giải thưởng Quả bóng vàng Việt Nam 2011 cho tuyển thủ Phạm Thành Lương (CLB Hà Nội). Ảnh: Hoàng Hùng

Thực sự thì thất bại ở AFF Cup 2012 đã làm cho lá phiếu của các tuyển thủ có phần bị “thất thu”, nhưng điều quan trọng là giải thưởng QBV là tôn vinh sự cống hiến của các cá nhân trong suốt cả mùa bóng. Và không thể bỏ qua những thể hiện của các cầu thủ tại giải VĐQG.

Ở cuộc bầu chọn danh hiệu QBV của FIFA, chưa hẳn các lá phiếu bầu chọn quan tâm vào hành trình của các ứng viên ở ĐTQG mà chính phong độ của các tuyển thủ đã thể hiện ở giải VĐQG. Đó phần nào cũng là nguyên nhân giúp Messi lần thứ tư giành danh hiệu cao quý này trong cuộc đua với Ronaldo mà hẳn nhiên, người ta dồn phiếu cho bộ đôi này từ ảnh hưởng ở giải vô địch Tây Ban Nha nhiều hơn trong màu áo đội tuyển Argentina hay Bồ Đào Nha.

Ông Nguyễn Nhật - Phó Tổng Biên tập báo SGGP khẳng định: “Cuộc bầu chọn Quả bóng vàng năm 2012 vẫn được giữ nguyên các giải thưởng như mọi năm, trong đó có danh hiệu Quả bóng vàng dành cho nam. Năm 2012, bóng đá Việt Nam không thành công ở cấp đội tuyển nhưng giải thưởng nhằm tôn vinh những nỗ lực của các cá nhân trong suốt mùa bóng, ở cấp đội tuyển cũng như câu lạc bộ, nên trong giai đoạn khó khăn của nền bóng đá mà tìm ra được cầu thủ xứng đáng để trao giải cũng là điều rất ý nghĩa. Và đương nhiên, những lá phiếu từ các chuyên gia, HLV, cầu thủ, nhà báo sẽ đóng vai trò quyết định trong việc lựa chọn này”.

Quốc Cường

 Ý kiến của các đồng nghiệp:

° Nhà báo Quang Tuyến (Báo Thanh Niên): “Năm 2012 không phải là lần đầu tiên đội tuyển chúng ta thất bại trên đấu trường châu lục và ảnh hưởng đến tâm lý chung của mọi người và những lá phiếu. Nhưng đã là giải truyền thống thì nên được duy trì, miễn sao BTC cố gắng đừng để quá trễ. Giải thưởng còn là sự tôn vinh cho các cầu thủ nên tôi nghĩ nên được duy trì, nhất là giải dành cho nam”.

° Nhà báo Sỹ Huyên (Báo Tuổi Trẻ): “Tôi chỉ muốn nói ngắn gọn một điều, tiêu chí của bầu chọn QBV là sự cống hiến cho cả mùa bóng mà điều quan trọng nhất là ở CLB. Năm qua, cầu thủ đã đá 26 trận ở V-League, chưa kể Cúp Quốc gia, AFC Cup thì đó mới đánh dấu nỗ lực và sự cống hiến của họ. Nếu không trao danh hiệu QBV dành cho nam, cá nhân tôi không đồng ý”.

° Nhà báo Văn Quyên (Báo Người Lao Động): “Do thành tích của ĐTQG không tốt trong năm qua nên cũng hơi khó bầu. Nhưng tôi nghĩ còn có giải VĐQG để từ đó có thêm cơ sở để mà tuyển chọn. Tôi nghĩ nên giữ giải thưởng Quả bóng vàng giành cho nam để tiếp tục động viên các cầu thủ”.

° Nhà báo Đỗ Tuấn (Báo Bóng đá): “Nói chung, năm qua bóng đá Việt Nam không thành công. Nhưng để “so bó đũa mà chọn cột cờ” thì chúng ta cũng có thể chọn được những cầu thủ tốt nhất. Đây là giải thưởng lớn và có uy tín mà nếu không có giải cho nam thì sẽ gây tranh cãi và mất giá trị. Vả lại, nếu không trao Quả bóng Vàng cho nam thì đâu còn ý nghĩa của giải?

H.G (ghi)


Giải thưởng Quả bóng vàng 2012: Thăng trầm cùng bóng đá Việt

Thật ra những khó khăn của quá trình bầu chọn QBV năm nay đã được dự báo từ trước. Chưa bao giờ bóng đá Việt Nam lại đối diện với một hoàn cảnh dễ vỡ như lúc này, nói gì đến giải thưởng cá nhân vốn phụ thuộc rất nhiều vào “thể trạng” của bóng đá nước nhà. Tuy nhiên, trong lịch sử của giải thưởng, chính những thời điểm như hiện tại, lại luôn mở ra những cơ may khác.

Trong lịch sử bầu chọn, đã ghi nhận năm 2001 là thời điểm đầu tiên mà những người tham gia bầu chọn đã “toát mồ hôi” khi đi tìm ứng viên xứng đáng nhất. Năm đó, lần đầu tiên SEA Games trở thành sân chơi của đội tuyển U-23 và cũng ngay lần đầu ấy, bóng đá Việt Nam không vào được tốp 4 đội mạnh nhất khu vực. Nếu tính từ năm 1995, lần đầu tiên Việt Nam bị loại ngay từ vòng đấu bảng. Thất bại ấy khiến bóng đá Việt Nam chao đảo sau thời gian mãi ở trên đỉnh cao.

Vì lẽ đó, nếu 5 kỳ trao giải QBV trước đó đều là những cuộc đua tranh hết sức hấp dẫn thông qua thành tích của đội tuyển quốc gia thì đến kỳ giải 2001, QBV được trao cho một thủ môn, là Võ Văn Hạnh, thành viên của đội SLNA vô địch quốc gia năm đó. Quá trình bầu chọn đã khó khăn, việc tiến hành trao giải cũng nhọc nhằn. Chúng tôi còn nhớ, do vấn đề tài chính, kỳ giải ấy được thực hiện trong một phòng trà ca nhạc với một không gian nhỏ nhất từ trước đến nay.

Sự khó khăn trong việc tìm ứng cử viên còn được thể hiện qua sự kiện lần đầu tiên, trong danh sách bầu chọn còn có sự xuất hiện của cầu thủ nữ và tiền đạo Lưu Ngọc Mai đã được vinh danh với danh hiệu Quả bóng đồng. Đấy là năm đánh dấu cột mốc bóng đá nữ quốc gia lần đầu tiên đoạt HCV SEA Games và vì lẽ đó, ý tưởng trao danh hiệu cho cầu thủ nữ đã “lóe” lên. Sau sự kiện này, đến năm 2002, giải thưởng QBV dành cho nữ được đưa vào chương trình bầu chọn chính thức dù khởi đầu chỉ trao một danh hiệu cao nhất. Đến năm 2003, với chiếc HCV SEA Games 2003, bóng đá nữ đã có riêng giải thưởng QBV với 3 danh hiệu đầy đủ.

o0o

Ba năm sau, giải thưởng QBV lại một lần nữa gặp khó khăn sau khi đội tuyển quốc gia bị loại ngay từ vòng đấu bảng Tiger Cup 2004 dù đó là năm Việt Nam được đá vòng bảng trên sân nhà. Không có một ứng cử viên nào nổi bật sau một kỳ giải đáng thất vọng. Nếu xét về hoàn cảnh thì thất bại tại AFF Cup 2012 còn ít nặng nề hơn hồi năm 2004 bởi khi ấy V-League đang ở thời kỳ phát triển tốt. Đã vậy, lúc đó chúng ta còn phải chính thức chia tay “Thế hệ vàng”.

Chính vì lẽ đó, QBV 2004 được trao cho tiền đạo mới 19 tuổi Lê Công Vinh. Đây cũng chính là QBV trẻ nhất trong lịch sử giải thưởng. Với sự khởi đầu khá sớm ấy, đến nay Lê Công Vinh đã 3 lần đoạt danh hiệu QBV, ngang với đàn anh Lê Huỳnh Đức nhưng vẫn còn nhiều thời gian để lập kỷ lục trở thành người đầu tiên đoạt 4 danh hiệu.

Năm 2012, sau thất bại của đội tuyển quốc gia tại AFF Cup 2012, một lần nữa quá trình bầu chọn danh hiệu cá nhân xuất sắc nhất lại gặp khó khăn trong việc tìm ra những ứng cử viên. Điều đó cho thấy, danh hiệu cá nhân này đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của bóng đá nước nhà mà ở đó, sự thuận lợi hay khó khăn của quá trình bầu chọn phản ảnh “thể trạng” của nền bóng đá trong một năm hoạt động.

Đăng Linh

>> Quả bóng vàng Việt Nam 2012 vẫn trao danh hiệu Quả bóng vàng nam

>> Nếu không có quả bóng vàng...

Tin cùng chuyên mục