Bao giờ V-League giống ngoại hạng Anh?

Giải ngoại hạng Anh đã kết thúc, đúng như cái kết mà một giải đấu hấp dẫn nhất hành tinh cần có. Liverpool quá tốt, nhưng Man.City… rất tiếc vẫn phải làm họ thất vọng bởi đội bóng của Pep Guardiola đã biến những áp lực của Liverpool thành sức mạnh cực đại. 

Nhìn giải ngoại hạng, tự nhiên muốn hỏi: Bao giờ V-League mới được như vậy?

Tất nhiên, chẳng ai ảo tưởng đến mức đem V-League mà so với giải ngoại hạng Anh về mọi khía cạnh. Thế nhưng, nếu xét riêng về tính cạnh tranh thì người hâm mộ Việt Nam vẫn có quyền hy vọng được chứng kiến các cuộc đua giữa những đội bóng hàng đầu, vẫn có quyền được thấy sự “kèn cựa” về tham vọng giữa các địa phương hay những ông bầu với nhau. Cho dù V-League ở cách xa giải ngoại hạng Anh “hàng chục năm ánh sáng” về giá trị, công nghệ, trình độ… thì riêng khía cạnh cảm xúc, sự hấp dẫn vẫn có thể ngang bằng. Giống như niềm vui của người hâm mộ với đội tuyển Việt Nam đâu kém bất kỳ quốc gia nào trên thế giới. Vì vậy, tạo ra cảm xúc riêng, tăng sự hấp dẫn cho V-League là việc mà những ai quan tâm đến bóng đá Việt Nam cần làm đầu tiên. 

Nói như vậy là bởi sân cỏ V-League hiện nay ngày càng ít cảm xúc, khác xa thời bóng đá bao cấp. Ngày đó, chưa tính đến cuộc đua vô địch, chỉ riêng những trận derby mang tính chất cùng thành phố, vùng miền cũng đã đốt nóng mọi khán đài. Trong 20 năm tổ chức giải vô địch quốc gia trước khi chuyển sang chuyên nghiệp, chỉ có đúng một trường hợp bảo vệ thành công danh hiệu vô địch (Thể Công các năm 1982-1983). Ngược lại, từ năm 2001 đến nay, đã có đến 4 trường hợp như vậy. Rồi các đội như B.Bình Dương, Hà Nội T&T (Hà Nội FC) thắng đến 4 danh hiệu chỉ trong vòng 10 năm. Mặc dù có nhiều doanh nghiệp đầu tư làm bóng đá, gồm cả những tập đoàn lớn, nhưng khái niệm Big Four, Big Six không tồn tại ở bóng đá Việt Nam. Mỗi mùa giải, nhiều lắm chỉ xuất hiện cuộc đua tam mã. Còn như năm trước, một mình Hà Nội FC băng băng về đích sớm trước 5 vòng đấu. 

Yếu tố quan trọng nhất để các nền bóng đá bé nhỏ trở nên lớn mạnh là nhờ vào tính cạnh tranh, thứ duy nhất không có sự khác biệt lớn - bé. Cạnh tranh càng nhiều thì cầu thủ sẽ càng giỏi và chắc chắn vị thế của nền bóng đá sẽ phát triển. Thế nên, một giải đấu mà có quá ít đội muốn vô địch, thậm chí có đội còn đặt mục tiêu: “Đá đẹp, thua không sao” thì thật khó để tạo nên sự hấp dẫn.

Vì lẽ đó, khi nhà vô địch Hà Nội FC bị mất điểm ở 4/9 trận đầu mùa này, nhiều người vui mừng vì hy vọng sẽ xuất hiện các tên tuổi cạnh tranh. Lấy ví dụ, trong 4 trận đấu không thắng ấy, Hà Nội FC bị cầm chân bởi các đội như Quảng Nam, Bình Dương, Sanna Khánh Hòa, vốn đều có vị trí bên dưới bảng xếp hạng. Rồi Hà Nội FC thua đến 1-4 trên sân Thanh Hóa, đội chỉ mới có đúng một chiến thắng kể từ đầu mùa. Ngoài ra, những lần mất điểm của Hà Nội FC cũng tạo thêm sự tự tin cho các đối thủ như TPHCM hay SLNA, Than Quảng Ninh trong cuộc đua vô địch. Có thể họ chưa mạnh bằng nhà vô địch, nhưng chí ít là CĐV của họ cũng chờ đợi sẽ có bất ngờ vào cuối mùa. Cái cảm xúc ấy vốn là thứ mà V-League đánh mất bấy lâu nay kể từ sau thời của các ông bầu “tức nhau tiếng gáy”.

Tin cùng chuyên mục