Bài học thành công của tuyển Đức

Sự thành công của bóng đá Đức trong nhiều năm trở lại đây đang để lại nhiều bài học cho những nền bóng đá khác noi theo.
HLV Joachim Loew cùng tuyển Đức đăng quang thuyết phục.
HLV Joachim Loew cùng tuyển Đức đăng quang thuyết phục.
1. Tuyển Đức đã khép lại Confed Cup năm nay bằng kết quả không thể tuyệt vời hơn. Vô địch tuyệt đối! Các học trò của ông Joachim Loew lên ngôi bằng thành tích bất bại suốt giải. Ngoài cúp vô địch, các các thành viên Mannschaft còn giành thêm hai giải phụ khác, gồm cầu thủ xuất sắc nhất giải của  tiền vệ tài hoa Julian Draxler và vua phá lưới dành cho tiền đạo trẻ Timo Werner. Đó rõ ràng là kết quả không thể tuyệt vời hơn, mà trước khi giải đấu diễn ra, không nhiều người hâm mộ của Die Mannschaft dám mơ tới. Vì sao?
Bất kỳ ai theo dõi Confed Cup năm nay đều có thể nhận ra, người Đức tới giải đấu với tâm thế của những người… đi học là chính. Với những đối thủ quy tụ tại giải lần này, sẽ chẳng có gì bất ngờ, nếu ông Loew mang tới Nga những cầu thủ tốt nhất của nền bóng đá nước nhà.
Nhưng đằng này, ông chỉ mang theo đội hình B đúng nghĩa, với vỏn vẹn có 3 cái tên từng lên ngôi tại Brazil 3 năm trước (Shkodran Mustafi, Julian Draxler, Matthias Ginter), nhưng cả 3 cái tên này thực tế cũng chỉ là những cầu thủ dự bị trên hành trình lên “đỉnh” lần thứ 4 của người Đức.
Với một đội hình 23 cầu thủ chỉ mới 180 lần khoác áo đội tuyển, độ tuổi trung bình hơn 24, hầu như chưa có mấy kinh nghiệm thi đấu quốc tế, thì thành tích vô địch lần này của người Đức quả là đáng nể. 
Họ đã đưa người hâm mộ đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác trước khi bước tới đỉnh vinh quang. Đồng thời chức vô địch Confed Cup lần đầu tiên cũng giúp cho bóng đá Đức có một mùa hè mỹ mãn, khi chỉ mới ngày hôm qua, đội U21 của họ cũng vừa đánh bại Tây Ban Nha để bước lên đỉnh châu Âu.
2. Thành công của bóng đá Đức trong những năm gần đây đã được thế giới ca ngợi rất nhiều, mà khi đi tìm nguyên nhân, người ta thường nói về chiến lược đào tạo trẻ bài bản của người Đức.
Kể từ sau thất bại tại Euro 2004 (bị loại ngay từ vòng bảng), người Đức đã thay đổi triệt để cách làm bóng đá của họ ở rất nhiều khâu khác nhau. Hệ quả là, các tài năng trẻ của bóng đá Đức xuất hiện như “nấm mọc sau mưa”. Và giờ đây, ngay chính bản thân ông Loew cũng rơi vào cơn đau đầu khi không biết chọn ai bỏ ai. Nhưng, đó mới chỉ là một phần của vấn đề. 
Có một nguyên nhân nữa dẫn tới thành công của bóng đá Đức mà xưa nay ít được nhắc tới. Đó là sự ổn định trên băng ghế huấn luyện của Mannschaft. Bạn sẽ giật mình nếu biết rằng: Từ năm 1950 tới nay, tức thời điểm Đức quay lại với bóng đá thế giới, họ chỉ sử dụng hết tổng cộng có… 9 huấn luyện viên trưởng ở ĐTQG. Trong khi, cùng khoảng thời gian trên, Brazil sử dụng hết 41 HLV, Anh là 19, Pháp 21, Tây Ban Nha 32, Italia 26, Argentina 34, Hà Lan 34.  Như vậy, so với những đội bóng mạnh trên thế giới, Đức chính là những người ổn định nhất về HLV.
Và sự ổn định trên băng ghế chỉ đạo của họ cũng gắn liền với sự ổn định về thành tích. Kể từ năm 1950 tới nay, Mannschaft vô địch thế giới 4 lần, vô địch châu Âu 3 lần, ngoài ra, 4 lần về nhì ở World Cup, 3 lần về nhì ở Euro.
Dù vẫn thua Brazil một lần vô địch World Cup, nhưng xét toàn cục, trong hơn 60 năm qua, chẳng có đội bóng nào trên thế giới có thành tích xuất sắc và ổn định như người Đức cả.
Quay lại trong hơn 10 năm trở lại đây. Tính từ thời điểm ông Loew lên năm quyền từ sau World Cup 2006, thì những đội Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Italia, Hà Lan, Brazil, Argentina, không có đội nào trải qua ít hơn 3 đời HLV trưởng .

3. Chính sự ổn định trên băng ghế huấn luyện là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự thành công của bóng đá Đức trong suốt chiều dài lịch sử. Cho dù khác với nhiều nền bóng đá khác, họ không cần tới những chiến lược gia thật hút giới truyền thông bởi danh tiếng và độ bóng bẩy.
Rõ ràng, chỉ khi được đảm bảo tương lai một cách vững chắc, mới giúp cho các HLV yên tâm làm việc. Họ mới có thể đề ra và thực hiện những chiếc dịch dài hơi, vạch ra con đường đi đến thắng lợi cuối cùng. Chứ hoàn toàn không phải là cách làm “ăn xổi” như nhiều nền bóng đá khác.
Đó là một bài học lớn mà bóng đá Đức để lại cho thế giới. Chứ không đơn thuần là chiến lược phát triển cầu thủ trẻ - thứ mà họ cũng đang được ca ngợi rất nhiều trong thời gian qua.

Tin cùng chuyên mục