Asiad 2018: Chỉ ngán đụng phải… VĐV chủ nhà!

Không chỉ VĐV Việt Nam mà VĐV các quốc gia châu Á khác cũng thấy ngán ngại khi đụng phải VĐV của Indonesia trong những cuộc tranh tài, đặc biệt là ở các môn thi giàu cảm tính như biểu diễn quyền môn taekwondo, nội dung taolu của wushu…

Các VĐV của Việt Nam như Nguyễn Thuỳ Linh khá ngại khi đụng độ đối thủ chủ nhà. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Các VĐV của Việt Nam như Nguyễn Thuỳ Linh khá ngại khi đụng độ đối thủ chủ nhà. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Thật ra, nhiều người đã hình dung đến kết quả chung cuộc rằng nữ võ sĩ Defia Rosmaniar cầm chắc tấm HCV nội dung biểu diễn quyền cá nhân nữ môn tekwondo trước cả khi trận chung kết với đối thủ Marjan Salahsouri (Iran) diễn ra. Bởi lẽ, thách thức khó nhất là Yun Jihye (Hàn Quốc) đã bị Defia đánh bại ở bán kết nhờ một vài động tác biểu diễn kém đến bất thường của võ sĩ người Hàn Quốc, xứ sở sản sinh ra môn taekwondo và thường thâu tóm mọi tấm HCV ở các đấu trường Asiad, Olympic, thế giới… Thành thử, khi chứng kiến Defia ăn mừng chiến thắng sau đó, nhiều người cảm thấy rất bình thường.

Võ sĩ Defia của Indonesia giành HCV quyền cá nhân nữ (môn Taekwondo). Ảnh: BTC
Ở môn wushu diễn ra sáng 20-8, cũng diễn ra cảnh tương tự. Tức là bài biểu diễn Thái cực quyền và Thái cực kiếm của Lindswell không xuất sắc đến độ vượt trội so với các võ sĩ của Hồng Công, Singapore, Philippines và cả Trần Thị Khánh Ly của Việt Nam, nhưng vẫn được các trọng tài chấm điểm cao nhất (9,75 điểm).

Thậm chí, dù môn thể thao mang tính nghệ thuật này vốn là sở trường của Trung Quốc, nhưng họ cũng không cử bất cứ VĐV nào tham dự nội dung có VĐV nước chủ nhà góp mặt. Vì vậy, chiến thắng của VĐV nước chủ nhà có vẻ… bớt gây tranh cãi hơn một chút, dù người ta biết thừa điều đó gần như đã được mặc định từ trước.

Nguyễn Thuỳ Linh thi đấu nội dung Nam đao. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Asiad vốn dĩ là sân chơi đẳng cấp hơn SEA Games – nơi thường bị gán cho biệt danh “ao làng” – nhưng những chuyện kiểu như dàn xếp kết quả, gây ảnh hưởng lên trọng tài để tạo ưu thế cho các VĐV nước đăng cai luôn xảy ra. Chính vì vậy, những môn thể thao cảm tính như biểu diễn quyền taekwondo, wushu, pencak silat… vẫn thường xảy ra những tranh cãi, phản ứng gay gắt từ các HLV và VĐV. Có lẽ, chỉ trừ những nội dung và môn thi có tính chính xác cao hoặc tính điểm bằng điện tử như bơi lội, điền kinh, bắn súng, bắn cung… thì mới có được sự trung thực cao.

Nhưng cãi thì cứ việc, còn Ban tổ chức và quốc gia đăng cai có tin và thay đổi hay không lại là chuyện khác. Nước đăng cai gần như có được đặc quyền “chọn huy chương” để nhận ở giải đấu diễn ra trên sân nhà của mình. Nói như một cựu Trưởng đoàn thể thao Việt Nam trước kia thì “huy chương được tính từ bàn họp chứ không phải trên sàn đấu”...

Tin cùng chuyên mục