Andy Murray: Phân biệt giới tính vẫn hiện hữu

Andy Murray – người đang rất tích cực tập luyện với hy vọng rằng, anh sẽ sớm tìm lại được tình trạng thể lực tốt nhất để quay lại sân đấu ở kỳ giải US Open trong năm nay – vừa có những tiết lộ quanh việc tình trạng phân biệt giới tính vẫn còn tồn tại rất sâu, bám rễ trong lòng của làng quần vợt chuyên nghiệp thế giới. 
Trong quá trình làm việc với Amelie Mauresmo (trái), Andy Murray nhận những lời lẽ không hay từ dư luận.
Trong quá trình làm việc với Amelie Mauresmo (trái), Andy Murray nhận những lời lẽ không hay từ dư luận.
Tay vợt cựu số 1 thế giới người Scotland cho biết, có một tay vợt đã từng cắc cớ hỏi anh rằng là, liệu anh “giỡn chơi hay làm thiệt” khi chấp nhận thuê Amelie Mauresmo làm HLV cho bản thân mình hồi 3 năm về trước, điều mà tuyệt đối chưa hề có một tay vợt nam hàng đầu nào lại làm vậy trước đây…

“Khi tin tức tôi có thể sẽ làm việc với một phụ nữ lần đầu tiên xuất hiện trên báo chí, tôi đã nhận được tin nhắn từ một tay vợt nam, người hiện cũng đã chuyển sang công tác huấn luyện. Anh ta nhắn với tôi: “Tôi yêu mến môn đấu này và nghĩ rằng anh đang chơi trò với báo chí. Có lẽ, ngày mai anh nên nói với họ rằng, anh đang cân nhắc làm việc với… một con chó”. Đó là những kiểu suy nghĩ và quan điểm đã được nói ra khi tôi đang nghĩ đến sự hợp tác mới nhất của mình. Nhưng chắc chắn rằng, những quan điểm như vậy không ảnh hưởng quá nhiều đến suy nghĩ của tôi”, Murray mới vừa tâm sự một cách “trần trụi” như vậy ở trong một bài trả lời phỏng vấn trên Tạp chí Elle (của Mỹ).

Murray cũng cảm thấy rất rõ ràng rằng, hiện tại, số lượng HLV nữ trong quần vợt chuyên nghiệp là rất thấp và hoàn toàn không đủ nếu để so sánh với những đồng nghiệp nam của họ. Không chỉ có rất, rất ít HLV nữ hiện đang làm việc trong làng quần vợt chuyên nghiệp dành cho nam mà thậm chí, số lượng HLV nam làm việc trong WTA Tour – làng quần vợt chuyên nghiệp nữ – cũng chiếm số lượng áp đảo so với những đồng nghiệp nữ. Trước hoặc kể từ khi Murray làm việc với cựu tay vợt số 1 nữ thế giới là Mauresmo, chưa hề có trường hợp một tay vợt nam hàng đầu nào lại chấp nhận thuê mướn một HLV nữ để hướng dẫn, huấn luyện cho bản thân mình trên sân tập và chỉ đạo trên sân đấu. Sự hiện diện của “mối quan hệ M2M”, giữa Murray và Mauresmo, hoặc đã gây ra một hiệu ứng rất mạnh, hoặc gây ra thắc mắc và tranh cãi rất lớn trong làng quần vợt thế giới.

“Đã có một số tranh cãi quanh việc “Ồ vâng, cô ấy là phụ nữ, làm sao cô ấy có thể hiểu nổi môn đấu của những gã đàn ông”, Murray tiết lộ, “Nhưng sau đó, ý tôi muốn hỏi là, vậy thì làm thế nào để một người đàn ông có thể hiểu được môn chơi của những cô nàng phụ nữ? Rõ ràng, lấy bản thân tôi làm ví dụ, tôi đã trưởng thành trong sự huấn luyện và dẫn dắt của mẹ tôi, một người phụ nữ. Vì thế, ở đây, tôi chẳng thấy có vấn đề gì cả. Nhưng khi tôi bắt đầu đến với làng quần vợt nam thế giới, ở thời điểm đó, chẳng có một gã trai nào được huấn luyện bởi một HLV nữ cả. Vì thế, khi tìm kiếm một HLV, đương nhiên bạn phải thừa nhận rằng mình đang tìm kiếm một người đàn ông, rồi khi càng lúc bạn càng lớn lên, bạn càng trưởng thành, bạn nhận ra rằng: “Ồ không! Mọi thứ không nhất thiết cứ phải là như thế”.

Có một lĩnh vực trong quần vợt, nơi sự cân bằng bình đẳng giới tính được thể hiện rõ nét nhất, đó là tiền thưởng dành cho nam và nữ ở 4 kỳ giải Grand Slam đình đám. Nói chung, cho dù các giải đấu thuộc hệ thống ATP World Tour vẫn đạt được nhiều lợi nhuận hơn các giải đấu thuộc hệ thống WTA Tour, vấn đề liệu các tay vợt có nam nên nhận được tiền thưởng nhiều hơn các tay vợt nữ đã không còn là vấn đề đáng để bàn luận trong vài năm trở lại đây, vì khoảng cách tiền thưởng giữa 2 bên chỉ còn là tối thiểu.

Khi được hỏi, liệu bản thân mình có cảm giác như là tay vợt nam duy nhất đứng lên đấu tranh giành quyền bình đẳng cho phụ nữ hay không, Murray đám lời: “Ừ, tôi cũng cảm thấy có một chút”. Anh tiếp lời: “Đương nhiên, tôi chẳng phải là người đàn ông duy nhất làm điều này. Nhưng tôi chỉ không hiểu rằng, tại sao không phải là điều gì đó để mà các tay vợt cảm thấy đáng tự hào khi chúng ta đang chơi cho môn thể thao duy nhất nơi tiền thưởng kiếm được của cả nam lẫn nữ là cân bằng với nhau. Đó là một điều rất đáng lạc quan. Chúng tôi vẫn còn có rất nhiều vấn đề, nhưng đó chính là thứ mà quần vợt nên tán dương, tán thưởng và cảm thấy mừng rỡ”.

Murray từng được biết đến như là một người ủng hộ mạnh mẽ cho nữ quyền trong quần vợt suốt nhiều năm qua. Một trong những câu chuyện được nhắc đến nhiều nhất đó là khi anh sửa lại câu nói của một nhà báo: “Sam Querrey là tay vợt Mỹ đầu tiên lọt đến bán kết của một kỳ Grand Slam kể từ năm 2009” bằng lời đáp trả nhẹ nhàng: “Tay vợt nam thôi”. Anh cũng từng sửa một câu bình luận tương tự của BLV John Iverdale tại Olympic Rio de Janeiro 2016. Câu sửa của Murray dành cho trường hợp của Querrey đã nhận được sự tán thưởng từ Serena Williams, một tay vợt nữ luôn đi đầu trong việc đấu tranh cho nữ quyền, không chỉ trong quần vợt mà còn trong cuộc sống thường nhật. Khi đó, Serena đã nói: “Tôi không nghĩ có một tay vợt nữ nào, và thật sự cũng không cần là một VĐV nữ nữa, lại không hoàn toàn ủng hộ Andy Murray. Anh ấy đã lên tiếng cho các vấn đề của phụ nữ, cho nữ quyền, đặc biệt là trong quần vợt, mãi mãi và luôn như thế. Đó là thứ chúng tôi luôn yêu mến anh ấy”.

Tin cùng chuyên mục