Ai lo chuyện nền móng?

Nếu có theo dõi đời sống thể thao Việt Nam, gần đây nhiều người sẽ nhận thấy một số cái tên quen thuộc như Sài Gòn Heat, Hochiminh City Wings, ĐaNang Dragons… cùng xuất hiện ở cả giải bóng rổ nhà nghề VBA lẫn  giải vô địch futsal VFL. 

 

CLB Sài Gòn Heat (phải) được đầu tư theo phong cách nhà nghề Mỹ. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
CLB Sài Gòn Heat (phải) được đầu tư theo phong cách nhà nghề Mỹ. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Đây là các đội bóng thuộc sở hữu của một vài doanh nghiệp, được lập ra để thi đấu một số giải riêng, song song cùng hệ thống giải vô địch quốc gia vẫn được diễn ra hàng năm.

Khoan bàn đến chuyện thành công hoặc có tồn tại lâu dài hay không, nhưng sự ra đời của các CLB được vận hành hoàn toàn độc lập và “chơi riêng” ấy phản ảnh 2 câu chuyện: Thứ nhất, không hề thiếu các nguồn lực đầu tư cho thể thao đỉnh cao. Thứ hai, thể thao Việt Nam dường như đang đi ngược quy trình.

Mô hình các CLB thể thao chuyên nghiệp đa môn không hề mới mẻ. Người hâm mộ Việt Nam thường biết đến Barcelona như một đội bóng đá, nhưng thực ra CLB này còn vận hành nhiều đội thể thao khác mà tiêu biểu là CLB bóng rổ Barcelona từng 2 lần vô địch châu Âu. Hoặc các đội bóng ở giải ngoại hạng Anh, cũng sở hữu các đội thể thao khác như bóng đá nữ, futsal, bóng bầu dục…

Tại Việt Nam, hình thức này cũng tồn tại, nhưng là ở trung tâm thể dục thể thao địa phương, nơi duy trì khá nhiều đội thể thao cùng có chung một tên gọi và đại diện cho địa phương thi đấu các giải quốc gia, nhưng đều dùng tiền ngân sách ít ỏi, khó tạo ra được tài năng. Ở góc độ  doanh nghiệp, trước đây có trung tâm thể thao của tập đoàn dầu khí với các môn bóng bàn, bóng chuyền, rồi CLB Hà Nội T&T đầu tư cho bóng đá, bóng bàn, nhưng hoạt động cũng chỉ được một thời gian, không có dấu hiệu khởi sắc.

Mặc dù chiến lược xã hội hóa thể thao của nhà nước ta khuyến khích phát triển hệ thống thể thao tư nhân, nhưng đến nay mọi việc vẫn còn triển khai rất chậm. Nguyên nhân chủ yếu nằm ở tính đồng bộ trong phát triển phong trào. Các doanh nghiệp không thể “nuôi” 1 đội thể thao suốt 1 năm chỉ thi đấu có 1-2 giải quốc gia. Điều này sẽ dẫn đến lợi ích quảng bá thương hiệu gần như bằng 0. Trong khi đó, cùng dùng chung một thương hiệu, nếu hệ thống thi đấu bán chuyên hay chuyên nghiệp có nhiều giải thì thương hiệu của doanh nghiệp đầu tư sẽ được biết đến rộng rãi, giúp họ tiết kiệm cho các khoản chi phí marketing.

Ở góc độ khác, cũng cần có sự định hướng từ cơ quan quản lý. Hiện nay ở Việt Nam, cứ nói đến việc vận động doanh nghiệp tham gia, là người ta lại nhắc đến bóng đá, môn phải đầu tư rất nhiều tiền nên hạn chế trong việc tìm nhà đầu tư. Trong khi các trung tâm thể thao lại không chịu đổi mới cách hoạt động, chuyển đổi thành các CLB đa môn, nhằm tạo cơ chế vận động doanh nghiệp. Mỗi môn thể thao ở Việt Nam hiện phát triển đơn lẻ, mạnh môn nào môn đó tìm kiếm tài trợ, nên sự phát triển manh mún.

Ngược lại, nhóm các doanh nghiệp đang tham gia giải bóng rổ nhà nghề Việt Nam VBA đã chủ động chung tay cùng làm giải futsal VFL, nhưng vừa ra đời đã có lời ra, tiếng vào cho rằng họ đang cố xóa bỏ hệ thống thi đấu quốc gia thường niên. Thái độ đánh giá này cho thấy các cơ quan quản lý nhà nước chưa có một chủ trương rộng rãi, khiến cho các mô hình mới gặp nhiều trở ngại về tính “chính thống” trong hoạt động của mình. 

Trong thể thao chuyên nghiệp, các CLB chính là nền móng. Hệ thống CLB càng được tư nhân hóa, càng thể hiện tính nhà nghề bao nhiêu thì tiến trình xã hội hóa mới phát triển đúng bản chất, giảm bớt gánh nặng ngân sách cho việc tập trung “nuôi” VĐV suốt năm như hiện  nay. Hơn nữa, cần có cơ chế và chủ trương phát triển hệ thống CLB thể thao quyết liệt thì mới định hình được nghề nghiệp cho các VĐV thể thao, chứ không phải chỉ thi đấu vài năm đỉnh cao rồi chuyển sang làm việc khác.

Tin cùng chuyên mục